Cổ nhạc Trung Hoa có rất nhiều ca khúc cổ, là đại diện tiêu biểu cho nền văn hóa truyền thống của người Trung Quốc. Mỗi ca khúc này đều gắn liền với một điển tích, điển cố khác nhau. Nghe cổ nhạc Trung Hoa mà không biết được câu chuyện đằng sau thì sẽ không thể hiểu hết được cái đẹp của chúng. Hãy cùng tìm hiểu Top 5 trong Cổ Nhạc Trung Hoa Thập Đại Danh Khúc nhé.

Cao sơn lưu thủy

Cao sơn lưu thủy là khúc nhạc được biên soạn để ca ngợi tình bạn của Bá Nha và Tử Kỳ thời Xuân Thu. Chỉ cần nghe tiếng đàn của Bá Nha là Tử Kỳ có thể thấu hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Do vậy, từ “tri âm” cũng được sử dụng phổ biến từ đó. Bá Nha họ Du, tên Thụy là người nước Sở nhưng làm Đại Phu ở nước Tấn. Tử Kỳ họ chung, tên Huy là một danh sĩ ẩn dật ở gần nủi Mã Yên, làm nghề tiều phu để phụng dưỡng cha mẹ tuổi già.

Bá Nha gặp được Tử Kỳ khi đang trên đường đi sứ qua nước Sở. Từ lần gặp gỡ duyên phận này, hai người trở thành tri âm, kết nghĩa anh em và hẹn trung thu năm sau hội ngộ. Tuy nhiên, đến hẹn, khi Bá Nha tìm tới quê nhà Tử Kỳ thì người đã mất. Bá Nha đau thương đàn một khúc rồi đập Dao cầm tại mộ Tử Kỳ thể hiện lời vĩnh biệt tri âm. Sau đó, Bá Nha từ quan, đón phụ mẫu Tử Kỳ về phụng dưỡng.

Thập diện mai phục

Cổ khúc Thập diện mai phục ra đời vào năm 202 trước công nguyên. Đây là một bản hùng ca miêu tả về cuộc chiến Hán Sở giao tranh. Cổ khúc này còn có tên gọi khác là “ Hoài âm bình Sở”, lấy trận chiến của Lưu Bang và Hạng Vũ ở Cai Hạ làm chủ đề. Thập diện mai phục mang theo một âm hưởng mạnh liệt, dữ dội, dồn dập và đầy bi thương của chiến trận. Ca khúc này được lưu truyền đến ngày nay mà không ai hay về nguồn gốc tác giả.

Bình sa lạc nhạn

Bình sa lạc nhạn là cổ khúc gắn liền với câu chuyện cuộc đời trầm buồn của nàng Vương Chiêu Quân. Đây là một trong tứ đại mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, vào cung thời Hán Nguyên Đế. Tại thời bấy giờ, nhà vua tuyển chọn người bằng cách xem họa chân dung từ Mao Diên Thọ. Tuy nhiên, vì Vương Chiêu Quân không có tiền nên chỉ được vẽ một bức chân dung xấu xí, không được nhà vua đoái hoài.

Năm 51 trước công nguyên, Hô Hàn Tà đầu hàng và cầu thân Hán Nguyên Đế, xin được gả công chúa. Hán Đế truyền lệnh xuống các cung nữ rằng ai đồng ý gả sẽ được đối xử như công chúa. Vương Chiêu Quân đã tình nguyện đi. Tuy tình nguyện, nhưng Vương Chiêu Quân vẫn vô cùng đau lòng khi phải tới một nơi đất khách quê người. Do đó, tới một hoang mạc, nàng đã dừng chân và gảy một khúc đàn bi thiết, thương cho số phận chưa rõ của mình.

Mai hoa tam lộng

Mai hoa tam lộng là cổ khúc ngợi ca những bậc nam nhân tiết tháo, cao thượng. Ca khúc mượn vẻ đẹp của hoa mai tinh khiết, bền bỉ và kiên cường trong giá lạnh, thơm như lòng người quân tử. Bản nhạc được thể hiện bằng cổ cầm càng truyền tải tới người nghe lời tự tình của bậc quân tử, như hoa mai đẹp đẽ tinh khôi.

Có một giai thoại về cổ khúc Mai hoa tam lộng đó là cầu chuyện về Nhân Hồng Hạo thời Nam Tống. Ông được vua sai đi sứ nước Kim nhưng lại bị bắt nhốt hơn mười năm. Trong khoảng thời gian này, ông không ngừng bị mua chuộc, dụ dỗ, ức hiếp bởi kẻ địch. Tuy nhiên, Nhân Hồng Hạo vẫn giữ vững lòng trung thành, sự hiên ngang, yêu nước của mình. Câu chuyện của ông đã được người đời phổ thành ca khúc Mai hoa tam lộng mà chúng ta còn được nghe đến tận ngày nay.

Quảng lăng tán

Quảng lăng tán là một cổ khúc mang ý vị thâm sâu, vừa bi thương lại vừa ngang tàng. Khúc ca này được gắn liền với hai câu chuyện khác nhau với hai phong cách chơi khác nhau.

Câu chuyện thứ nhất là về Nhiếp Chính, một thích khách Hàn Vương thời chiến quốc. Cha của Nhiếp Chính ngày đêm tận lực, tâm huyết khó nhọc đúc kiếm cho vua. Nhưng vì giao kiếm trễ ngày mà bị Hàn Vương nhẫn tâm thảm sát. Chứng kiến điều này, Nhiếp Chính ẩn mình học đàn luyện kiếm mười năm. Khi được mời vào đàn cho vua, Nhiếp Chính đã nhân cơ hội hành thích Hàn Vương. Bản nhạc này cũng được lưu truyền từ đó. Nó thể hiện sự thù hận, bi oán cũng như sự đau thương, tấm lòng hiếu thuận của người con dành cho cha.

Sáu trăm năm sau, Quảng lăng tán đã được Kê Khang đời Ngụy Tấn phát triển thành một khúc nhạc tuyệt luân. Kê Khang tuy chưa từng học qua một thầy nào mà chỉ khổ công tự luyện nhưng lại trở thành một kỳ tài về cầm, kỳ, thi, họa. Năm 262 sau Công nguyên, vì bị hãm hại, hàm oan mà Kê Khang bị chặt đầu giữa chợ. Trước khi chết ông đã tấu khúc Quảng lăng tán. Khúc ca này không hề bi thương ai oán mà thể hiện khí tiết của một bậc anh hùng trượng nghĩa, dám xả thân vì hiền tài, vì cái đúng.

Năm cổ nhạc còn lại trong Trung Hoa thập đại danh khúc

Tịch dương tiểu cổ, Ngư tiều vấn đáp, Hồ già thập bát phách, Hán cung thu nguyệt, Dương xuân bạch tuyết là năm cổ nhạc còn lại trong thập đại danh khúc. Cũng như năm bản nhạc trên, mỗi ca khúc này đều đi liền với một điển tích, một câu chuyện ý nghĩa. Để thưởng thức trọn vẹn các cổ khúc này, các bạn có thể tìm hiểu những phân tích, tìm đọc các câu chuyện liên quan ở rất nhiều nguồn khác nhau hiện nay.

Trên đây là sơ lược về năm cổ khúc trong danh sách mười danh khúc của Trung Hoa. Mỗi cổ khúc này đều đem tới cho người nghe một cảm xúc khác nhau. Cái hay và cái đẹp của chúng sẽ càng rõ nét hơn khi được lắng nghe nhiều lần. Nếu như bạn là người muốn tìm hiểu hay yêu thích văn hóa Trung Hoa, bạn cần hiểu rõ câu chuyện liên quan trước khi nghe một cổ khúc. Điều này sẽ giúp bạn cảm thụ được những nét tinh túy nhất khi thưởng thức bản nhạc.